VAI TRÒ VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỒ NỘI THẤT TRONG THIẾT KẾ
Trong thiết kế nội thất, cảm hứng sáng tác là một yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên song hành với nó là những nghiên cứu có cơ sở và lập luận. Hãy cùng thử đề cập đến một mảng cụ thể trong thiết kế, đó là ĐỒ NỘI THẤT. Khi nhắc đến đồ nội thất, người ta thường chỉ nghĩ về vẻ bề ngoài và tính trang trí của chúng trong một không gian, nhưng thực tế, chúng đóng góp một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ chốt của việc tăng chất lượng tổng thể của không gian đó. Do đó phải nhìn nhận đồ nội thất cũng là một vấn đề cần hoạch định trong chiến lược thiết kế. Hãy cùng nhau xem xét một vài khía cạnh để hiểu rõ tại sao lại có kết luận như vậy.
Thứ nhất, ĐỒ NỘI THẤT ĐỊNH NGHĨA CHỨC NĂNG CỦA MỘT KHÔNG GIAN. Hãy nghĩ về chủ thể đầu tiên khi nghiên cứu phương án cho một phòng ngủ, hay phòng ăn chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy rằng manh mối quan trọng đầu tiên trong việc tổng hợp thông tin và định hình chức năng của không gian đó xuất hiện rõ ràng như thế nào. Dĩ nhiên, dễ thấy rằng cái giường ngủ, hay cái bàn ăn là những thứ cơ bản không cần phải xét tới, nhưng điểm quan trọng đó là việc xác định yếu tố trọng tâm của chúng trong việc định nghĩa chức năng của căn phòng, là trung tâm của mọi sự kiến tạo xung quanh. Ở hình trên, rõ ràng một lựa chọn về chiếc bàn ăn tròn đã mang lại ngay hiệu ứng về sự thân mật của bữa ăn, tính tập trung trọng tâm trong tổng thể căn phòng cũng như sự dẫn dắt phát triển về phương án thiết kế chiếu sáng hay bất cứ thành phần nào khác sau đó.
Tiếp đến, ĐỒ NỘI THẤT ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC CỦA MỘT KHÔNG GIAN. Khi sắp xếp một nhóm đồ nội thất, bên cạnh việc định nghĩa ra chức năng, chúng còn định hình ra tổ chức của không gian đó. Thử hình dung việc phải len qua một lối đi chật hẹp giữa ghế sofa và bàn tiếp khách, ai cũng có thể hiểu ngay ra được việc đưa ra một tính toán đúng – cả mặt vật lý lẫn cảm quan cho không gian phòng khách của mình có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Ở đây xin được điểm qua nhanh một vài phương pháp xử lí thường thấy:
- Tối ưu lượng phân luồng qua lại trong một không gian và bố trí chúng xung quanh những nhóm nội thất chứ không đâm xuyên qua chúng.
- Đảm bảo tương tác của con người ở bên trong không gian (khoảng cách để khuyến khích sự giao tiếp người, khoảng cách để hoạt động tốt của bàn-ghế, của các khu vực …)
- Khi có một không gian rộng lớn, thường thì việc phân nhỏ các nhóm nội thất sẽ mang đến những định hướng tổ chức rõ ràng hơn.
- Hãy thử đặt mình tưởng tượng việc trải nghiệm một vòng trong không gian đấy, vào các vị trí và trong các hoạt động khác nhau, các thời điểm khác nhau để chắc chắn rằng phương án đưa ra là hiệu quả.
Có lẽ cũng không cần phải nói quá nhiều về hình ảnh đưa ra trên, về cách tổ chức & không gian nội thất của Farnsworth House cũng như tài năng của KTS. Mies Van Der Rohe, người đã kiến tạo ra nó từ cách đây hơn một nửa thế kỷ.
Một yếu tố cũng rất quan trọng khác: ĐỒ NỘI THẤT TẠO SỰ CÂN BẰNG THỊ GIÁC CỦA MỘT KHÔNG GIAN. Xin đưa ra ví dụ để chúng ta dễ hình dung hơn về nội dung này. Trong một không gian sảnh lớn, những chiếc ghế băng dài sẽ tăng cường tính ngang, giàn trải và tiếp diễn (bên cạnh tác dụng về phân vị trong tổ chức mặt bằng của không gian đó) sẽ khác với những nhóm bao gồm các ghế cao nhưng ngắn gọn được gộp lại, tạo ra những phân vùng hoạt động độc lập cùng hiệu ứng của sự tự do và sự linh hoạt của không gian lưu thông len lỏi ở giữa. Rõ ràng, tương quan về cao độ, kích thước, hình thái của đồ nội thất với một không gian chứa đựng là rất mật thiết, việc nắm bắt và khai thác được mối liên hệ đó sẽ giúp thiết kế đó trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Ở ảnh ví dụ phía trên, việc lựa chọn và tổ chức các bàn, ghế sofa thấp ở cao độ xấp xỉ nhau tạo một hệ thống có tính nặng, phẳng ngang và dính kết là là ở bề mặt, tương phản với khối tích rất lớn phía bên trên, là một lựa chọn phương án rất hiệu quả cho không gian này.
Tới đây mới là phần mà đa phần đa phần chúng ta đều thấy được: ĐỒ NỘI THẤT PHẢN ÁNH CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI & KHÔNG GIAN. Mỗi một sản phẩm nội thất đều là một bản thiết kế nhỏ, mang đầy đủ nghiên cứu về thẩm mỹ và chức năng hoạt động từ nhà thiết kế. Sự lựa chọn đồ nội thất phản ánh rõ nhất sở thích và cá tính của người sử dụng (dù là trong vô thức) qua màu sắc, vật liệu, hình dáng … của đồ nội thất đó. Đây cũng chính là lí do cần có sự quan tâm nghiêm túc & trao đổi của kiến trúc sư với khách hàng của mình để đưa ra những đề xuất phù hợp cho không gian của họ.
Cuối cùng, những khía cạnh được nêu ra ở trên không hoàn toàn tách rời khỏi nhau, mà tương tác qua lại, các yếu tố kể trên về ĐỒ NỘI THẤT đều bổ sung, tăng cường và tạo ảnh hưởng chung tới chất lượng của một không gian. Tùy vào từng điều kiện trường hợp cụ thể mà có sự điều tiết cân bằng hợp lý để mang lại hiệu quả & giá trị nhất định cho không gian đó.
Comma Studio