ĐỐI XỨNG HAY PHI ĐỐI XỨNG?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét để nhìn vào vai trò chức năng của tính ĐỐI XỨNG và PHI ĐỐI XỨNG theo đúng nghĩa đen về măt hình thức trong kiến trúc. Có lẽ rằng tất cả chúng ta đều biết là kiến trúc cổ điển đã bị thống trị bởi tính đối xứng nghiêm ngặt trong hình thức như thế nào. Trong khi đó, như chúng ta cũng chứng kiến ở thế kỷ 20, vai trò chủ chốt của tính ĐỐI XỨNG trong kiến trúc đã có một sự chuyển biến sang tính PHI ĐỐI XỨNG như một thay đổi nguyên tắc chính trong thiết kế ra sao. Có thể kể ra một số ví dụ từ buổi sơ khai của sự biến chuyển đó, như kiệt tác nhà trên thác của KTS Frank Lloyd Wright, với sự sắp đặt một cách phi đối xứng các khối của công trình, cho đến kiến trúc đương đại với những công trình có hình khối tự do, ví dụ điển hình là những công trình của đội ngũ kiến trúc sư theo trường phái chủ nghĩa giải tỏa kết cấu, đội ngũ đang là một lực lượng lớn mạnh trong giới kiến trúc và thường chiến thắng trong các cuộc thi kiến trúc lớn của thế giới. Trong số đó rất nhiều những cái tên lừng danh như Zaha Hadid, Frank Gehry, RemKoollhaas, Daniel Libeskind, Bernard Tschumi… và trong tất cả các công trình của họ, tính PHI ĐỐI XỨNG là một yếu tố tổ chức chủ chốt.
Hãy cùng cân nhắc vấn đề: Tại sao kiến trúc cổ điển lại bị thống trị bởi tính ĐỐI XỨNG nghiêm ngặt? Chẳng hạn như mục đích tính ĐỐI XỨNG đóng góp cho kiến trúc cổ điển? Tương tự, tại sao kiến trúc hiện đại lại bị thống trị bởi tính PHI ĐỐI XỨNG? Mục đích của nó đóng góp cho kiến trúc hiện đại?
Trong cuốn sách Symmetry, Causality, Mind (Đối xứng, Nhân quả và Ý thức) của giáo sư Michael Leyton (1999), tác giả đã chỉ ra rằng tính ĐỐI XỨNG luôn luôn được dùng để xóa ký ức khỏi một tổ chức, và tính PHI ĐỐI XỨNG thì luôn được dùng cho việc giới thiệu một miền ký ức mới tới một tổ chức nhất định. Tác giả chỉ rõ những nguyên lý về ký ức này liên quan chặt chẽ tới ý thức con người, hay nói đúng hơn thì chúng tạo cơ sở cho ý thức con người hoạt động. Những nguyên lý này nằm trong nền tảng của việc sử dụng ĐỐI XỨNG trong kiến trúc cổ điển và PHI ĐỐI XỨNG trong kiến trúc hiện đại. Đó là: KIẾN TRÚC CỔ ĐIỂN NHẰM XÓA ĐI MIỀN KÝ ỨC, VÀ KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI NHẰM TẠO RA MIỀN KÝ ỨC.
Tại sao lại kết luận như vậy, hãy cùng tìm hiểu tiếp:
VIỆC LUẬN RA LỊCH SỬ QUA HÌNH THỨC
Cuốn Symmetry, Causality, Mind (Leyton 1999) với 630 trang trình bày về một hệ thống các quy tắc mà qua đó ý thức con người đề xuất trong tiềm thức về ký ức tạo ra một dạng hình thù, ví dụ, một chuỗi những quá trình thúc đẩy mang tính chất nhân - quả mà đã tạo ra hình thù đó. Mặc dù có một lượng lớn các quy tắc đề cập trong cuốn sách, nhưng chúng chỉ khác nhau qua hình thức của hai quy tắc cơ bản: Khai thác tính PHI ĐỐI XỨNG hoặc ĐỐI XỨNG trong một hình thù. Lý thuyết trong đó giải thích cách mà bất kỳ một tổ chức nào có thể giữ một “miền ký ức” về một hành động, hiện tượng trong quá khứ.
Nếu như chúng ta định nghĩa “miền ký ức” là một lượng thông tin trong quá khứ, chúng ta nhìn nhận rằng có rất nhiều hình dạng mà miền ký ức đó có thể có. Ví dụ, một vết sẹo là một miền ký ức của một sự kiện trong quá khứ bởi vì khi chúng ta nhìn vào vết sẹo đó, chúng ta tự động đề xuất thông tin trong tiềm thức của chúng ta về hành động trong quá khứ gây ra nó, kiểu như đã có một cái gì đó cắt vào vùng da đó trong quá khứ. Tương tự, một vết nứt trên một chiếc bình là một miền ký ức của một sự kiện trong quá khứ bởi vì khi chúng ta nhìn vào đó, chúng ta có thể đề xuất thông tin về hành động trong quá khứ, kiểu như đã có một cú va chạm vào chiếc bình trước đó. Thực tế hầu như có vô số hình thức có thể mang trên mình một miền ký ức: một vết sẹo, một vết nứt, một vết lõm, một vệt xoắn, một sự tăng trưởng, v.v.. Tuy nhiên lập luận ở cuốn sách của Leyton dẫn đến một kết luận rằng: trong một mức độ trừu tượng nhất định, chỉ có một dạng mà miền ký ức có thể mang:
- MIỀN KÝ ỨC LUÔN LUÔN NẰM TRONG DẠNG PHI ĐỐI XỨNG
- SỰ ĐỐI XỨNG LUÔN LUÔN THIẾU VẮNG MIỀN KÝ ỨC.
Có thể đưa ra một vài ví dụ như sau:
Hãy thử tưởng tượng, một bình thủy tinh đựng khí ga có màu được đặt trên mặt bàn. Khi cái bình đó được đặt đứng ổn định, tại THỜI ĐIỂM 1, khí ga trong bình ở trong trạng thái cân bằng đồng đều, hay có thể nói: ĐỐI XỨNG – giữa mặt trái phải của bình. Bằng một cách nào đó, hãy dồn khí ga về phía bên trái của bình, ở THỜI ĐIỂM 2. Khí ga bây giờ đang là PHI ĐỐI XỨNG.
Một người ở bên ngoài bước vào và nhìn thấy khí ga lúc này. Người đó ngay lập tức kết luận rằng khí ga đã trải qua một chuyển động về phía bên trái. Có nghĩa là trạng thái PHI ĐỐI XỨNG đã lập ra một miền ký ức của sự chuyển động. Bây giờ hãy để khí ga cân bằng đồng đều trở lại trong bình, tức là trở lại trạng thái ĐỐI XỨNG ở THỜI ĐIỂM 3.
Giả sử lúc này có một người bước vào (người mới, trước đó chưa hề bước vào) Người này không thể suy luận được khí ga đã từng di chuyển sang trái trước đó, rồi sau đó mới lại quay trở lại cân bằng. Lý do là vì sự ĐỐI XỨNG đã xóa sạch ký ức về sự kiện xảy ra trước đó. Kết luận rút ra ở đây rằng từ sự ĐỐI XỨNG, bạn chỉ có thể nhận định rằng quá khứ cũng tương tự như hiện tại. Chúng ta có thể tóm tắt những quy tắc được sử dụng ở đây, trong hai nguyên lý :
NGUYÊN LÝ PHI ĐỐI XỨNG:
Một sự PHI ĐỐI XỨNG ở hiện tại đưa ra giả thuyết về một sự ĐỐI XỨNG ở quá khứ.
NGUYÊN LÝ ĐỐI XỨNG:
Một sự ĐỐI XỨNG ở hiện tại đưa ra giả thuyết về việc nó vẫn luôn luôn tồn tại như thế.
Giống như trong TOÁN HỌC, sự ĐỐI XỨNG là tính không thể phân biệt dưới các biến đổi. Ví dụ, đối xứng trục – là dạng phản chiếu vì không thể phân biệt được đâu là mặt được phản chiếu của nó cả, một vòng tròn là một đối xứng quay bởi vì không thể phân biệt được đâu là trạng thái đầu của nó cả.
Hãy thử cùng diễn đạt lại qua một ví dụ:
Nếu như một đối tượng được trình bày như hình a, một hình bình hành bị xoay, nó sẽ gợi lên ý thức chúng ta về một hình bình hành lúc không bị xoay, rồi sẽ gợi cho ý thức của chúng ta về hình chữ nhật, rồi tiếp tục quy trình ấy để đưa kết quả về một hình vuông. Điều quan trọng để hiểu ở đây là với chỉ duy nhất từ hình đầu tiên, ý thức chúng ta sẽ gợi ra một chuỗi toàn bộ các hình còn lại.
Có thể giải thích việc này như sau: khi đưa ra một đối tượng chủ thể ban đầu, chủ thể đó sẽ gợi ra quá trình hình thành lên nó. Nghĩa là, một đối tượng đưa ra ở đây đã được sinh ra bắt đầu từ một hình vuông (d), rồi bị kéo dài theo một phương (c), rồi bị xô lệch đi một cạnh (b), và cuối cùng là xoay nó đi một góc (a).
Chúng ta sẽ thấy rằng ở đây đang sử dụng nguyên lý ĐỐI XỨNG và PHI ĐỐI XỨNG. Để thấy rõ hơn, chúng ta phải phân tích hình ban đầu đưa ra – một hình bình hành bị xoay – ở dạng PHI ĐỐI XỨNG và ở dạng ĐỐI XỨNG của nó. Hãy nghĩ về khả năng phân biệt để xác nhận tính PHI ĐỐI XỨNG tại thời điểm ban đầu (hình a). Chúng ta thấy được 3 điểm: (1) khả năng phân biệt được của hướng chủ thể với bối cảnh, (2) khả năng phân biệt giữa các góc kề nhau; (3) khả năng phân biệt của độ dài các cạnh kề nhau.
Trong hình ảnh đưa ra, từ trái qua phải là một chuỗi xóa đi dần từng khả năng phân biệt, đi ngược về quá khứ như nguyên lý PHI ĐỐI XỨNG. Nghĩa là, từng bước lần lượt đưa hình ban đầu (a) thành có cùng định hướng với bối cảnh (b), các góc được đưa về bằng nhau (c), rồi tới các cạnh được đưa về bằng nhau (d). Và một lần nữa nhắc lại ở đây về: tính PHI ĐỐI XỨNG trở thành tính ĐỐI XỨNG trong quá khứ – như dự đoán theo nguyên lý PHI ĐỐI XỨNG
QUAY TRỞ LẠI VỚI KIẾN TRÚC:
Hãy quay trở lại về chủ đề về ĐỐI XỨNG và PHI ĐỐI XỨNG trong kiến trúc. Chúng ta có thể thấy rằng qua những lập luận trên, nguyên lý PHI ĐỐI XỨNG và ĐỐI XỨNG dẫn tới kết luận trước:
KIẾN TRÚC CỔ ĐIỂN NHẰM XÓA ĐI MIỀN KÝ ỨC, VÀ KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI NHẰM TẠO RA MIỀN KÝ ỨC.
Xin được dừng chia sẻ ở đây để cùng tự ngẫm về các cấu trúc tự do, những thay đổi đột ngột hình khối ở những công trình của Zaha Hadid, Frank Gehry hay Libeskind - những đại diện tiêu biểu mà chia sẻ này có thể mở rộng để phân tích cụ thể hơn… dưới những nguyên lý đưa ra ở trên để phần nào hiểu về ngụ ý và hiệu ứng sau mỗi sự sắp đặt không gian của họ.
Ảnh: Bảo tàng quân đội Dresden (Đức) – KTS. Daniel Libeskind.
Comma Studio tham khảo, lược dịch và biên tập từ tạp chí khoa học về lý thuyết kiến trúc, giáo sư Michael Leyton, Đại học Rutgers, New Brunswick, New Jersey, USA.